Khảo sát thực tế xác định các mỏ cát, rủi ro về sạt lở trên sông Tiền và sông Hậu

28/10/2022 - 16:59

 - Ngày 28/10, Tổng cục Phòng, chống thiên tai và Viện Khoa học thủy lợi miền Nam phối hợp Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã tiến hành khảo trên sông Tiền và sông Hậu (đoạn ở huyện Phú Tân), tiếp giáp tỉnh Đồng Tháp.

Đây là chuyến khảo sát thực tế thuộc dự án Hỗ trợ quản lý cát bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL -IKI SMP), được thực hiện từ nguồn tài trợ của Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) – IBU (Đức).

Qua đó, tiến hành đo đạc trên sông Tiền và sông Hậu để thu thập dữ liệu tổng hợp phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch duy trình ổn định hình thái sông, duy trì sinh kế và hệ sinh thái ở ĐBSCL. Bao gồm xác định vị trí các mỏ cát có thể khai thác cát cùng với rủi ro về sạt lở trong các điều kiện khác nhau (RGSPlan).

Dự án Hỗ trợ quản lý cát bền vững ở ĐBSCL sẽ góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Các hoạt động chính của dự án, gồm: Xây dựng ngân hàng cát bằng việc đo đạc mức cân bằng giữa lượng cát đổ về từ thượng nguồn và lượng cát mất đi do khai thác ở toàn vùng đồng bằng, cùng với lượng cát đổ ra biển ở các nhánh chính của sông Tiền, sông Hậu cho năm 2022, với tầm nhìn giai đoạn từ nay đến năm 2020 và 2050; kế hoạch duy trì và ổn định hình thái sông; nghiên cứu, đánh giá về vật liệu thay thế cho cát sông…

Ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Hỗ trợ quản lý cát bền vững ở ĐBSCL giới thiệu về tổng thể về dự án

Các thiết bị được thả trực tiếp xuống đáy sông

Các chuyên gia đo đạc trên sông Tiền, sông Hậu, đọc số liệu trực tiếp và giải thích ý nghĩa (nồng độ cát lơ lửng, địa hình đáy sông…). Từ đó, để tính mối liên hệ giữa khai thác và sự thay đổi ở đáy sông, cung cấp được bản đồ hình thái sông cho toàn vùng ĐBSCL.

Việc khai thác cát rất khó kiểm soát, vì còn phục vụ cho tình hình phát triển kinh tế - xã hội rất cao ở ĐBSCL. Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian để thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển vật liệu thay thế cho cát sông, như: Cát nghiền, tro bay, tái chế từ công trình xây dựng… WWF đang kết hợp Công ty Tư vấn quốc tế của Đức thực hiện một nghiên cứu để xác định được những vật liệu thay thế bền vững, có thể sử dụng cho mục đích san lắp và xây dựng.

Dự kiến, tháng 11/2022, dự án sẽ công bố kết quả sơ bộ về các vật liệu thay thế và thay thế ở mức độ nào…

ÁNH NGUYÊN