Lấy cái đẹp “dẹp” cái xấu

24/04/2019 - 07:41

 - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc không hay trong ngành giáo dục, sai phạm thế nào đã có cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Song, đội ngũ nhà giáo trong ngành bày tỏ trăn trở khi những chuyện tốt đẹp được họ tận tâm xây dựng mỗi ngày ít ai biết đến, còn chuyện xấu của ngành lại lan tỏa rất nhanh, kèm theo những lời phán xét từ “búa rìu dư luận” theo kiểu quy chụp, đánh đồng. Phải chăng đó là một phần nguyên nhân khiến 2 mặt tốt - xấu chưa được nhìn nhận công bằng.

Những việc làm tốt được thông tin trên mạng rất cần nhiều người góp phần lan tỏa

Cô T.T (một giáo viên trẻ công tác ở huyện Tịnh Biên) tâm sự: “Nhờ mạng xã hội, tôi đọc được câu chuyện của thầy Nguyễn Quốc Thắng ở Trường Tiểu học “B” An Hảo, sử dụng chính đồng lương của mình để nuôi học trò và bám trường suốt nhiều năm qua. Tôi còn biết các đồng nghiệp của mình trên khắp cả nước đang công tác ở những nơi khó khăn, khổ sở hơn tôi gấp nhiều lần. Rồi những em học sinh suốt các cấp học phải ngày ngày cõng bạn đến trường, những mô hình tiết kiệm xây dựng quỹ vì bạn nghèo ngay tại những nơi rất…nghèo. Thế mà không ai chia sẻ hoặc chia sẻ rất ít”. Thay vào đó, hễ mỗi sự kiện không mấy tốt đẹp xảy ra, nhiều người lại lan truyền cho nhau rất nhanh, kèm theo đủ kiểu bày tỏ cảm xúc: “Xem đi mọi người ơi, thầy giáo đánh học sinh này”, hay gần đây là một clip được cho là những người ở An Giang đang ăn chuột sống rất phản cảm...

Thầy Q.T. (giáo viên dạy môn Văn) bày tỏ: “Thấy cảnh học sinh đánh nhau tàn bạo, giáo viên không kiểm soát bản thân mà bạo lực với chính học trò của mình, những thầy cô chưa đủ cái tâm với nghề lạm dụng quyền lực… làm “rầu nồi canh”, chúng tôi đau lòng lắm chứ. Nhưng càng đau lòng hơn khi mỗi sự việc xảy ra, số đông giáo viên đều mang tiếng, áp lực hơn mỗi giờ đến lớp, bị dò xét, bàn tán”. Khi chế độ, đời sống của giáo viên hiện nay còn thấp so với nhiều ngành trong xã hội, nhà giáo chỉ dựa vào khẩu hiệu “nghề giáo là nghề cao quý” cùng với tấm lòng yêu trẻ để đeo bám và trụ vững với nghề, đôi lúc ý chí đó còn bị lung lay. Những lời phán xét “giáo dục xuống cấp”, “học sinh bây giờ hư hỏng đều do thầy cô” không phải là sự nhìn nhận chủ quan, song những người bàn luận quên rằng, trong đội ngũ những người đang là giáo viên lẫn học sinh, số tiêu cực được nhắc đến so với con số của toàn thể chỉ là rất nhỏ.

Nhận thức lệch lạc, bản tính tò mò và sự thoải mái của mạng xã hội hiện nay đã và đang dẫn dắt nhiều người hướng theo cách đón nhận những luồng thông tin rất đáng lo ngại. Thực tế, có một bộ phận người đọc báo, nắm bắt thông tin từ các trang điện tử chỉ “hóng, hớt” những tin giật gân, phản ánh mặt trái của xã hội để chia sẻ nhằm thể hiện mình biết nhiều, biết “thời sự”, nắm tin nóng rất giỏi.

Mượn câu chuyện giáo dục để nói, chứ thực chất trong môi trường nào, lĩnh vực nào cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Khi mạng xã hội là nơi bùng phát thông tin, chia sẻ dễ dàng, mọi thứ đều phơi bày nhanh chóng và ít quan tâm đến bản chất sự việc, thông tin đó chính xác hay không. Chúng ta không thể “miễn dịch” hay cấm cản người khác lên mạng xã hội, nên chăng dựa vào mạng xã hội để tạo sự lan tỏa, cùng nhau chia sẻ những điều tốt đẹp, lấy cái đẹp “dẹp” cái xấu. Tham gia mạng xã hội hiện nay, ngoài những người với tư cách cá nhân, còn có các trang fanpage của các cơ quan, đoàn thể, ban, ngành để giải quyết công việc, kết nối với thành viên nội bộ, thông tin hoạt động nhanh hơn, tương tác với nhau được tốt hơn.

Những tấm gương tốt, việc làm tốt sẽ được lan tỏa từ đó, cần lắm cái “click”, “share” để nhân rộng giá trị tốt đẹp từ cuộc sống. Đó là những nỗ lực không chỉ để xây dựng môi trường sống lành mạnh từ thực tế đến mạng “ảo” mà còn khẳng định với xã hội, những người mang danh “dư luận” rằng, bên cạnh những “hạt sạn” không đáng, số đông còn lại vẫn là những người cần được tôn trọng.

MỸ HẠNH