Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

19/02/2019 - 07:38

 - Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân huyện Châu Phú đã đổi mới phương thức sản xuất bằng cách tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp.

Mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun tự động và đo ẩm độ đất điều khiển qua điện thoại thông minh trên diện tích trồng cây ăn trái và rau màu đang được ngành nông nghiệp huyện Châu Phú khuyến khích bà con nông dân nhân rộng để phục vụ sản xuất. Ứng dụng công nghệ này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm khoảng 80% công tưới và 60% lượng nước tưới so với phương pháp tưới truyền thống, mà còn giúp nâng cao năng suất cây trồng từ 20 - 30%. Ông Kiều Minh Thành (nông dân ấp Bình Thới, xã Bình Thủy, Châu Phú) đang ứng dụng công nghệ tưới phun tự động và đo ẩm độ đất điều khiển qua điện thoại thông minh trên diện tích đất trồng măng tây xanh của mình, ông Thành cho biết: “Hệ thống tưới phun tự động điều khiển bằng điện thoại thông minh giúp tôi chủ động hoàn toàn trong khâu bơm tưới, có thể điều khiển bật, tắt hệ thống tưới nước thông qua chiếc điện thoại có kết nối internet. Lượng nước do hệ thống tưới phun tự động nhỏ giọt, giúp điều tiết được độ ẩm giữa các hàng cây, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh lây lan, không gây xói mòn đất”.

Cũng như hộ của ông Kiều Minh Thành, ông Nguyễn Bá Ngân (ngụ ấp Bình Trung, xã Bình Mỹ) và hộ ông Nguyễn Văn Tùng (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Mỹ Tây) đã ứng dụng công nghệ tưới phun tự động và đo ẩm độ đất điều khiển qua điện thoại thông minh từ hệ thống năng lượng mặt trời để tưới cho vườn cây cam xoàn và vườn bưởi của gia đình. Ông Tùng cho biết: “Một điều tiện lợi của hệ thống tưới phun tự động phải kể đến là có thể tích hợp bón phân qua hệ thống tưới. Người làm vườn có thể xác định được ẩm độ đất trồng và tiến hành tưới nước dù không có mặt tại vườn, chỉ cần giám sát và điều khiển thông qua smartphone”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết: “Trên địa bàn huyện Châu Phú hiện có hơn 789ha diện tích trồng cây ăn trái, tập trung nhiều ở các xã: Ô Long Vĩ, Mỹ Đức, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Phú, Đào Hữu Cảnh… Hiện nay, địa phương đã thành lập được 5 chi hội nghề nghiệp làm vườn cây ăn trái ở các xã: Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Đức, Ô Long Vĩ, Mỹ Phú. Năm 2018, bằng nguồn vốn phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã hỗ trợ nông dân đầu tư 30 hệ thống tưới phun tự động và đo ẩm độ đất điều khiển qua điện thoại thông minh, tổng kinh phí hỗ trợ trên 695 triệu đồng”.

Không chỉ hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, để từng bước thực hiện các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đang tiến hành triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hòa với diện tích 200ha. Dự án được thực hiện theo Công văn số 4485, ngày 31 - 8 - 2018 của Văn phòng UBND tỉnh, về việc “Cấp vốn dự án xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú”. Dự án gồm các hạng mục: trạm bơm tiêu; trạm bơm tưới và hệ thống ống chính; đường dây trung thế và hệ thống biến áp; đường trục chính; kênh tiêu thoát nước. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng của bà con nông dân.

MỸ LINH