An Giang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ người lao động theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ

07/03/2023 - 10:27

 - Chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động (NLĐ), ngày 16/1, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết 06/NQ-ĐCT về hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang triển khai Quyết định 6696/QĐ-TLĐ

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú trao hỗ trợ cho đoàn viên bị giảm giờ làm

Cùng ngày, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định 6696/QĐ-TLĐ hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT. Đây là chính sách nhân văn cần sớm được triển khai, để kịp thời chia sẻ khó khăn với người lao động.

Theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, đối tượng hỗ trợ gồm đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2022 đến hết  31/3/2023. Mức hỗ trợ từ 1- 3 triệu đồng/người, tùy đối tượng.

Mục tiêu của chính sách nhằm hỗ trợ đoàn viên công đoàn và người lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30/9/2022 bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh An Giang có trên 13.700 đoàn viên, người lao động (3 đối tượng) làm việc tại các doanh nghiệp, thuộc các khu công nghiệp tỉnh, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. Trong đó, có 2.694 lao động của Công ty TNHH An Giang Samho bị chấm dứt hợp đồng. Ước tính số tiền hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang khẳng định, chính sách hỗ trợ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ là một việc làm mang ý nghĩa nhân văn rất lớn của tổ chức công đoàn hướng đến đoàn viên, người lao động. Đây là một trong các chính sách thiết thực được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai, nhằm chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, người lao động từ khi dịch bệnh COVID-19 đến nay.

Ông Nguyễn Hữu Giang đã chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở có đối tượng thụ hưởng phải đảm bảo triển khai các văn bản chặt chẽ đúng theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ. Đặc biệt, các địa phương phải rà soát kỹ, đúng đối tượng, chia thành 2 đợt gởi hồ sơ về Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, đảm bảo quá trình thực hiện hồ sơ nếu có sai sót sẽ kịp thời điều chỉnh.

Để đảm bảo đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các chính sách theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, ngay khi vừa ban hành chính sách, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã khẩn trương triển khai bằng nhiều kênh thông tin. Cụ thể, thông qua hội nghị trực tuyến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai Quyết định 6696/QĐ-TLĐ, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang đã tiếp thu nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn chủ chốt và cán bộ công đoàn tại các doanh nghiệp có đông lao động.

Đồng thời, chỉ đạo ban chuyên môn gấp rút hoàn chỉnh ban hành các văn bản triển khai (Hướng dẫn 105-HD- LĐLĐ tỉnh An Giang) đến hệ thống các cấp công đoàn. Đồng thời, xây dựng các tuyến tin, bài, thực hiện thông tin cần biết (phát trên kênh phát thanh của tỉnh và địa phương). Chính sách còn được thực hiện Infographic tuyên truyền qua báo chí trong và ngoài hệ thống, Zalo cán bộ công đoàn, Facebook Công đoàn tỉnh, Cổng Thông tin điện tử công đoàn tỉnh. Ngoài ra, còn thông qua người thân của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động..., để tạo sự lan tỏa sâu rộng đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang thành lập tổ thẩm định tại Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp danh sách, rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện, xét duyệt hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác, khảo sát việc triển khai chính sách tại các địa phương, các doanh nghiệp có đoàn viên, người lao động trong đối tượng thụ hưởng.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú chỉ đạo Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh phối hợp, chỉ đạo công đoàn cơ sở Công ty TNHH An Giang Samho chú trọng việc nắm rõ địa chỉ thường trú của 2.964 công nhân lao động công ty bị cắt hợp đồng, để thông tin người lao động biết về chính sách.

Ông Nguyễn Thiện Phú đồng thời chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thị, thành phố có công nhân lao động cư trú trên địa bàn có công văn đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các trưởng ấp hỗ trợ thông tin đến từng hộ gia đình đoàn viên, người lao động được biết.

 “Các cấp công đoàn triển khai trên tinh thần hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi, sai, sót trong quá trình thực hiện. Chính sách phải kịp thời, góp phần ổn định đời sống đoàn viên, người lao động và nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn. Qua đó, khẳng định vai trò công đoàn thực sự sát cánh cùng đoàn viên, người lao động trong lúc khó khăn” – ông Nguyễn Thiện Phú nhấn mạnh.

Đoàn viên, người lao động có nhu cầu hưởng hỗ trợ, liên hệ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc công đoàn cấp tỉnh nơi đoàn viên, người lao động cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Ngoài ra, đoàn viên, người lao động có thể liên hệ công đoàn cơ sở nơi chấm dứt hợp đồng lao động để được hướng dẫn thực hiện hồ sơ theo biểu mẫu quy định. Số tiền hỗ trợ được nhận 1 lần bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 31/3/2023.

MỸ HẠNH