Hướng đến sản xuất tiết kiệm, hiệu quả

02/09/2021 - 06:40

 - Trong bối cảnh tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, giá cả sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, cần giảm tối đa chi phí canh tác. Bên cạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiến bộ thì liên kết, hợp tác với doanh nghiệp (DN) để sản xuất có kế hoạch, ổn định đầu ra là yêu cầu tất yếu.

Tổ chức tốt khâu thu hoạch là một trong những cách tiết giảm chi phí sản xuất

Tiết giảm chi phí

Theo tính toán của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, diện tích xuống giống vụ thu đông 2021 khá lớn (khoảng 161.000ha lúa, nếp), nhu cầu phân bón nhiều (88.830 tấn, tương đương gần 1,78 triệu bao phân). Với cách thức canh tác truyền thống, chi phí phân bón chiếm hơn 25% giá thành sản xuất thì khi giá phân bón tăng, sẽ đội thêm chi phí đầu vào. Tín hiệu mừng là các DN sản xuất phân bón đều cam kết đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy và áp dụng biện pháp bình ổn giá trong thời gian tới. Tại An Giang, nhiều giải pháp được triển khai nhằm giảm chi phí vận chuyển, phân phối, đưa phân bón với giá tốt hơn cho nông dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, phải tính toán lại sản xuất sao cho giảm tối đa chi phí đầu vào, không quá phụ thuộc vào phân bón vô cơ, thuốc hóa học; tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn nông sản, hướng đến tổ chức liên kết sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị... Đây là những yêu cầu cần thiết để khởi động triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, chuẩn bị sẵn tiền đề để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Thị Lê cho biết, về mặt kỹ thuật canh tác, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất, bao gồm: chi phí phân bón, thuốc BVTV, giống và chi phí thu hoạch bằng biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay. Đồng thời, tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng chương trình “1 phải, 5 giảm”, như: khuyến khích nông dân giảm giống, giảm lượng phân, thuốc BVTV, tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước; sử dụng phân đơn thay thế phân hỗn hợp để tiết kiệm chi phí. Ngành nông nghiệp tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của tưới ngập khô xen kẽ, giúp quản lý tốt đổ ngã, dễ dàng cho khâu thu hoạch, tiết kiệm chi phí thu hoạch và vận chuyển. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trong sản xuất, giúp giảm chi phí thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ tiêu thụ

Vừa qua, UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 ký kết kế hoạch hợp tác về hỗ trợ giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông - thủy sản theo tinh thần chỉ đạo của đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau lễ ký kết, Sư đoàn 330 (Quân khu 9) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Giao thông - Vận tải, Sở Công thương tiến hành thu hoạch, vận chuyển nông sản giúp người dân, DN, hợp tác xã (HTX). Tỉnh còn tích cực mời gọi một số DN (như: Lộc Trời, Tân Long, Tấn Vương...) tăng cường thu mua lúa, nếp của nông dân, cơ bản giải quyết được bài toán thu hoạch, tiêu thụ lúa hè thu 2021. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, các địa phương đã thành lập được 161 tổ phản ứng nhanh nông nghiệp (11 tổ cấp huyện, thị xã, thành phố; 150 tổ cấp xã, phường, thị trấn). Đây là lực lượng quan trọng trong hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa, nông sản không chỉ trong vụ hè thu này mà còn đáp ứng yêu cầu lâu dài cho các vụ tiếp theo.

Nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn, Sở NN&PTNT thành lập Tổ xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản. Qua đó, kết nối tiêu thụ thành công 17.436 tấn lúa, nếp; 551 tấn rau, màu; 134 tấn trái cây; 689 tấn thủy sản; 316.000 trứng gia cầm. Đồng thời, hỗ trợ 13 HTX đăng ký danh sách đầu mối cung ứng nông sản phía Nam do Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT triển khai để cung ứng nông sản cho TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Tổ xúc tiến phối hợp với Viettel An Giang đưa lên sàn thương mại điện tử VOSO các sản phẩm nông nghiệp An Giang, như: bắp, khoai cao, đậu nành rau, nhãn, chanh, quýt, cam, bưởi...

Sau khi đi vào hoạt động, Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong khâu vận chuyển, hỗ trợ xin “luồng xanh” cho hơn hàng chục DN, HTX với số lượng trên 100 xe tải, phương tiện thủy vận chuyển nông sản. Tổ đang tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Viettel An Giang, Bưu điện tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân, HTX…

Vụ thu đông 2021 và các vụ tiếp theo, An Giang tiếp tục củng cố, duy trì hàng loạt tổ phản ứng nhanh nông nghiệp đến cấp xã, tăng cường vai trò của Tổ xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản (Sở NN&PTNT). Đây sẽ là những trung tâm thông tin, kết nối DN, tạo điều kiện cho DN liên kết với nông dân, HTX, xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

NGÔ CHUẨN