Khẩn trương ứng phó ảnh hưởng bão số 1 trên địa bàn An Giang

17/07/2023 - 19:34

 - Chiều 17/7, Phó Trưởng ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (BĐKH-PCTT&PTDS) tỉnh An Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm đã ký Công văn 63/BCH-PCTT, gửi thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố về triển khai công tác ứng phó ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 1 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Cảnh báo ảnh hưởng do mưa giông

Lực lượng xung kích trực ứng phó mưa bão

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ và Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang về ảnh hưởng cơn bão số 1, từ ngày 17-18/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ ngày 17/7, thời tiết trên khu vực tỉnh An Giang có mây thay đổi đến nhiều mây, ngày nắng yếu, có mưa rào và giông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông đề phòng sét, lốc và gió giật mạnh.

Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa, giông, lốc, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 1, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, hoàn lưu bão nhằm kịp thời cảnh báo, chủ động có biện pháp ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra và xử lý các biển hiệu, pa-nô, quảng cáo, các biển báo không đảm bảo an toàn theo quy định để tránh đổ ngã, mất an toàn. Đồng thời, khuyến cáo người dân chằng chống nhà cửa, chặt mé các cây cao có khả năng đổ ngã, nhất là những cây gần nhà và ven sông, rạch để hạn chế đổ ngã, gây sạt lở. Người dân hạn chế thực hiện các hoạt động ngoài trời trước và trong thời gian xảy ra mưa, giông, sét.

Các ngành, địa phương tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý để bảo vệ sản xuất; chủ động sẵn sàng các trạm bơm tiêu chống úng khi có mưa lớn kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại nông nghiệp do ngập úng.

Cùng với đó, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, các khu vực xung yếu sạt lở bờ sông, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất núi, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường khi có mưa lớn xảy ra. Các xã, phường, thị trấn có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích cấp xã ở những vị trí xung yếu, chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang tổ chức kiểm tra tại các địa bàn được phân công phụ trách, thông tin kịp thời về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh. Theo chức năng và nhiệm vụ được giao, các thành viên cấp tỉnh chủ động phối hợp với UBND cấp huyện triển khai ứng phó tình hình diễn biến thời tiết nguy hiểm trong tỉnh.

Các địa phương thực hiện tốt chế độ trực và báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó BĐKH-PCTT&PTDS tỉnh An Giang (khi có phát sinh thiệt hại do thiên tai gây ra) để tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo thực hiện.

NGÔ CHUẨN