Nam Định: “Bật mí” kế hoạch sản xuất vụ Đông, quyết thu “trái ngọt”

10/09/2021 - 10:37

Ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2021 của tỉnh là tập trung phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định và khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo liên kết chuỗi giá trị.

Vụ Đông 2020 khó khăn, nhưng thu được nhiều "trái ngọt"

Theo Sở NNPTNT Nam Định, năm 2020 sản xuất vụ Đông trên địa bàn tỉnh triển khai trong điều kiện gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh Covid-19 phát sinh và diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ đến công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh luôn tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát thành dịch, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 7 xảy ra vào tháng 10/2020 đã gây mưa lớn kết hợp với thủy triều cuối ghén đầu con, cùng với lũ trên các sông lớn dâng cao nên việc tiêu thoát nước gặp nhiều khó khăn làm 6.610ha cây vụ Đông mới gieo trồng bị ảnh hưởng.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm một số cây vụ Đông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào giai đoạn thu hoạch rộ, giá hầu hết các cây vụ Đông đều thấp hơn so với các năm trước (trừ cây khoai tây, ớt). Giá vật tư nông nghiệp cao, giá nông sản không ổn định…

Khó khăn, nhưng thu được nhiều “trái ngọt”, năm 2021 Nam Định tiếp tục “bật mí” kế hoạch sản xuất vụ Đông - Ảnh 1.

Tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích vụ Đông năm 2021 đạt 11.210ha trở lên. Ảnh: M.C

Diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2020 chỉ đạt 9.521ha (đạt 83% kế hoạch), giảm 303ha so với vụ Đông 2019. Năng suất các loại cây trồng tương đương - cao hơn cùng kỳ năm 2019.

Giá bán hầu hết các loại cây trồng vụ Đông đều thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Các loại rau su hào, cải bắp, súp lơ, cà chua đầu vụ được giá. Tuy nhiên, từ giữa đến cuối vụ giá rất thấp, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá nhiều loại rau, củ, quả chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với đầu vụ; riêng khoai tây có giá cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình toàn vụ dao động từ 9 - 10.000 đồng/kg, cao 12 - 14.000 đồng/kg, cao điểm 17.000 đồng/kg).

Giá trị sản lượng cây vụ Đông 2020 ước đạt 626,9 tỷ đồng (giá thực tế), bình quân đạt 65,85 triệu đồng/ha, tương đương so với vụ Đông 2019.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định chia sẻ, mặc dù vụ Đông 2020 gặp nhiều khó khăn, song vẫn thu hoạch được nhiều "trái ngọt". Nhiều mô hình sản xuất vụ Đông cho hiệu quả cao.

Điển hình như mô hình trồng cà chua trên đất lúa chuyển đổi tại huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng, lợi nhuận cao gấp 6 - 7 lần so với trồng lúa.

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khoai môn tại xã Đồng Sơn (huyện Nam Trực) với diện tích 30 ha, lợi nhuận 100 - 120 triệu đồng/ha, cao gấp 5 - 6 lần trồng lúa.

Hay mô hình chuyển đổi sang trồng rau, dưa các loại của HTX Trường Xuân (xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy) với quy mô 8ha, lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Mô hình chuyển đổi sang trồng màu và cây dược liệu của Công ty cơ khí Đình Mộc (huyện Xuân Trường) với quy mô 41ha, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần trồng lúa…

Lựa chọn nhóm cây chủ lực để sản xuất vụ Đông 2021

Vụ Đông năm nay toàn tỉnh Nam Định phấn đấu đạt diện tích 11.210ha trở lên, trong đó có 1.710ha trên đất 2 lúa.

Với các cây trồng chủ lực có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây dự kiến 1.900ha, phấn đấu năng suất đạt 140 tạ/ha; ngô 1.800ha, năng suất 42 tạ/ha; bí xanh 500ha, năng suất 180 tạ/ha; cà chua 530ha, năng suất 280 tạ/ha; khoai lang 100ha; năng suất 90 tạ/ha và các cây rau, đậu ngắn ngày 6.370ha.

Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông hàng hóa và có mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản.

Khó khăn, nhưng thu được nhiều “trái ngọt”, năm 2021 Nam Định tiếp tục “bật mí” kế hoạch sản xuất vụ Đông - Ảnh 2.

Cây cà chua là 1 trong những cây trồng được ngành trồng trọt Nam Định khuyến cáo sản xuất, phát triển mạnh trong vụ Đông năm nay. Ảnh: M.C

Ngành trồng trọt Nam Định dự báo, vụ Đông 2021 trên địa bàn tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn như mưa bão và thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo; lượng mưa ở các tháng còn lại của năm 2021 rất lớn (≈700 mm).

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp (công tác chỉ đạo, tiêu thụ sản phẩm…) và đời sống của người dân.

Thị trường tiêu thụ nông sản chưa được mở rộng, yêu cầu sản phẩm cung ứng thị trường phải đảm bảo an toàn và rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sản xuất vụ Đông tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả chưa cao nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Thị trường nông sản và vật tư nông nghiệp không ổn định ảnh hưởng lớn đến nguồn cung; giá cả của nhiều nông sản thực phẩm xuống thấp (nhất là rau màu vụ Đông thời kỳ thu hoạch rộ), gây khó khăn cho sản xuất.

Ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, trước những khó khăn khăn trên, quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2021 của tỉnh là trung phát triển các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định và khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo liên kết chuỗi giá trị.

Thực hiện đa dạng cây trồng hàng hóa và đa thời vụ. Ưu tiên phát triển mạnh các loại cây trồng: Bí xanh, khoai tây, cà chua và các rau quả truyền thống có thị trường tiêu thụ.

Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất "cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị" và các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Chính cho biết thêm, thời gian tới ngành trồng trọt Nam Định tiếp tục thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu giống cây trồng theo hướng chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất cây vụ Đông; ưu tiên kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa và kinh phí hỗ trợ xây dựng NTM để đầu tư xây dựng kênh mương tưới tiêu cho các vùng sản xuất vụ Đông trên đất 2 lúa.

Áp dụng và nhân rộng nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới nhất là công nghệ sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ của Nhật Bản; lựa chọn, sử dụng bộ giống tốt (ngắn ngày, năng suất và chất lượng cao) và phù hợp với từng chân đất.

Tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất các loại cây vụ Đông. Tích cực thu hút, hỗ trợ các Doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cây vụ Đông. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ Đông…

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả sản xuất vụ đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ đông 2021 các tỉnh phía Bắc diễn ra vào ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, diện tích sản xuất vụ đông các tỉnh phía Bắc trong những năm gần đây không tăng mà có xu hướng ổn định, nhưng giá trị sản xuất của vụ này vẫn tăng đều.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh dịch Covid-19, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực, nhất là đáp ứng tốt nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm; đồng thời, tạo việc làm cho lao động nông nhàn do dịch và thu nhập cho nông dân.

"Trong bối cảnh như vậy, sản xuất vụ Đông không chỉ đảm bảo thực phẩm trong nước mà còn xuất khẩu. Do đó, các địa phương cần chủ động liên kết để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm", Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

Theo LÃNG HỒNG (Dân Việt)