Nông dân giúp nhau thoát nghèo

31/10/2023 - 06:41

 - Những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Qua đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương.

Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, với lực lượng chiếm gần 70% dân số, nông dân tỉnh nhà cùng với nông dân cả nước thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KTXH của tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, chăm sóc sức khỏe nông dân ngày càng được các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện nâng chất. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn từ 40,7 triệu đồng (năm 2018) tăng lên 49,8 triệu đồng (năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong toàn tỉnh hiện còn 3,82% (mỗi năm giảm từ 1 - 1,2%).

Hàng năm, hội nông dân các cấp phát động phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong SXKD giỏi, có ý chí vươn lên làm giàu, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào đầu tư mở rộng SXKD. Đã hình thành nên các mô hình kinh tế hộ, tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không những vươn lên làm giàu chính đáng, nông dân còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc, “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm là rách”. Những hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từ 2 - 5 hộ nghèo trở lên về vốn, giống, vật tư, kinh nghiệm… để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Qua đó, đã giúp cho trên 7.578 hộ gặp hoàn cảnh khó khăn cải thiện điều kiện về sản xuất, sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi, ông Trần Văn Đúng (huyện Phú Tân) đã thành công với mô hình trồng mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đúng cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng do địa phương phát động, cuối năm 2020 gia đình ông đầu tư vốn chuyển đổi 5 công đất lúa nếp kém hiệu quả sang trồng cây mít Thái siêu sớm. Năm 2022, vườn mít đã cho thu hoạch được 15 tấn trái, với giá mua tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg mang lại cho gia đình khoảng 230 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Các cấp hội nông dân còn tích cực, chủ động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân”. Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã xây dựng và phát triển nguồn vốn hơn 20,7 tỷ đồng. Tổng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt 41,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn do Trung ương ủy thác 10,37 tỷ đồng, vốn cấp tỉnh là 7,97 tỷ đồng, nguồn vốn cấp huyện, xã hơn 23 tỷ đồng hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất.

Quỹ Hỗ trợ nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ cho trên 1.000 hộ vay/năm là thành viên chi/tổ hội nghề nghiệp từ 10 - 100 triệu đồng/hộ để đầu tư phát triển sản xuất; thông qua các mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất với quy mô dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trong khu vực nông thôn. Từ đó, mỗi năm có hàng trăm hội viên nông dân có điều kiện đầu tư, phát triển SXKD, nâng cao thu nhập, làm nòng cốt tập hợp nông dân, xây dựng các mô hình hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh... góp phần vào thành công của các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tham gia phát triển KTXH.

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm đưa đồng vốn ưu đãi đến người vay, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Có 152/152 cơ sở hội đã thực hiện nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Các cấp hội nông dân đang quản lý 865 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ hơn 1.148 tỷ đồng với 40.895 lượt hộ vay.

Điển hình là hộ ông Trần Đại Minh Thẩm (huyện Tri Tôn) thuộc diện hộ cận nghèo, không có vốn đầu tư phát triển kinh tế, cuộc sống gặp khó khăn. Gia đình ông Thẩm được hỗ trợ vốn để tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và tập huấn kiến thức chăn nuôi bò… nhờ đó có thêm điều kiện cải thiện kinh tế.

“Tôi được hỗ trợ vay vốn 24 triệu đồng để mua bò nuôi vỗ béo. Tôi nuôi từ 6 - 12 tháng là có thể xuất bán, sau đó tiếp tục mua lại 2 con bò nhỏ; số tiền còn dư, tôi hoàn trả vốn vay và tích lũy để dành chăm lo việc học cho 2 đứa con, đang học lớp 12 và đại học” - ông Thẩm cho biết.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp, khơi dậy tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” trong hội viên nông dân.

Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai để phát triển kinh tế có hiệu quả. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển KTXH nông thôn.

TRỌNG TÍN