Nông dân tâm huyết với trồng trọt hữu cơ

14/02/2020 - 07:52

Mong muốn sản xuất nguồn thực phẩm xanh, sạch cho người thân trong gia đình sử dụng và những người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận thuận lợi hơn, anh Đỗ Chí Nam (xã Phú Thành, Phú Tân, An Giang) từng thử nghiệm bằng biện pháp hữu cơ trên các loại cây trồng. Thành công lần lượt với lúa, nếp và các loại rau ăn lá là động lực giúp anh có thêm niềm tin nhằm phát triển dài hơi các ý tưởng của mình.

Không có mô hình mẫu nào trong địa phương để tham khảo, anh Nam bỏ công tìm tòi, học hỏi trên mạng, sách, báo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hơn 4 năm thầm lặng, những công sức khó nhọc bấy lâu của anh Nam dần được đền đáp khi sản phẩm của mình được mọi người đón nhận. Khởi đầu, anh Nam trồng nếp hữu cơ, rồi đến gạo thảo dược, đầu ra tuy khả quan về giá cả nhưng vẫn chưa thật sự ổn định.

Anh Nam cho biết, việc canh tác vất vả nhưng giá bán vẫn ngang bằng với các loại nông sản khác, còn công ty bao tiêu thì mỗi vụ theo mức giá khác nhau. Dù vậy anh vẫn kiên trì lựa chọn hướng đi của mình, vì luôn tin tưởng rằng, trồng trọt sạch là xu thế tất yếu của thời đại. Đất ruộng dần được cải thiện sau mỗi vụ mùa nhờ hoàn toàn sử dụng phân bón sinh học thay cho hóa học. Còn với vườn rau xanh được anh trồng theo phương pháp thủy canh hồi lưu có triển vọng hơn, thu hoạch hàng ngày phục vụ quán ăn và nhu cầu mua lẻ của các hộ xung quanh.

Vườn rau thủy canh xanh, sạch của anh Đỗ Chí Nam

Dựa theo các mô hình trồng rau trong ống nhựa thủy canh ở nước ngoài, anh Nam tự thiết kế dàn ống nhựa PVC trụ tròn, phía ngoài bọc lớp cách nhiệt, bề mặt khoét lỗ tròn theo tỷ lệ để tự ngăn cách mà không cần đặt ly. Hai đầu ống nhựa có nắp bịt giữ nước bên trong nối với ống dẫn dung dịch dinh dưỡng hồi lưu trong toàn hệ thống. Cây con được ươm trong xốp bọt biển, sau đó đưa lên giàn, trên cùng chỉ che lưới mỏng tránh nắng gắt.

Anh Nam cho biết, phương pháp này tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện, toàn bộ nguyên vật liệu khoảng 8 triệu đồng, có thể sử dụng trong nhiều năm. Giải quyết hạn chế không gian hẹp của sân nhà, anh thiết kế các giàn rau thành nhiều tầng, ngoài ra còn có trụ rau đứng, tất cả đều phát triển xanh tốt sau thời gian thử nghiệm.

Thông thường, người trồng rau thủy canh sẽ bố trí trong nhà màng hoặc nhà kín, với quy mô 24 ống rau, anh áp dụng việc ngăn côn trùng tấn công bằng cách bắt thủ công hàng ngày. Ngoài ra, anh còn học theo công thức chế thuốc thảo dược của các nhà nông trồng hữu cơ đã áp dụng hiệu quả.

Đó là ngâm các loại củ, quả lên men tự nhiên, như: chuối, vỏ bưởi, thơm, quế, khoai tây, rau cần, nước mía, lô hội, gừng… để kích thích ra hoa, đậu quả, xua côn trùng, trừ nấm mà không cần đến sản phẩm hóa học. Các loại thảo dược đã có sẵn dinh dưỡng, càng giúp rau hấp thụ tốt trong quá trình sinh trưởng, định kỳ 7 ngày phun xịt trực tiếp lên lá, thậm chí xịt nhiều hơn vẫn đảm bảo rau an toàn, tiết kiệm chi phí đáng kể.

“Tôi đang dự tính tìm đầu ra ổn định hơn cho nguồn rau sạch, mục tiêu gần là các cửa hàng rau an toàn thuộc những địa phương lân cận, mong nhiều khách hàng có điều kiện sử dụng thực phẩm sạch với giá cả phải chăng. Trước mắt, vườn rau này sẽ được điều chỉnh lại các giống, ưu tiên cây dễ thích nghi, cho năng suất cao, kế đến tăng số lượng và năng suất” - anh Nam chia sẻ.

Hiện tại, “vườn rau trên không” chỉ 16m2 được phân tầng giúp anh Nam thu hoạch khoảng 150kg, bán lẻ giá 20.000 đồng/kg và phục vụ rau xanh cho quán ăn của gia đình. Trong đó, phổ biến là xà lách, cải bẹ xanh, xà lách xoong, xà lách chịu nhiệt, rau càng cua…

Không chỉ trên rau ăn lá, với mấy chục chậu dâu tây thử nghiệm trồng lần đầu tiên, cây chết gần hết do thối thân và rễ, sử dụng thuốc trên thị trường khắc phục tình trạng này nhưng "không ăn thua". Anh Nam cũng tiến hành xịt dung dịch khóm ngâm nước mía giúp chặn đứng triệu chứng rất hiệu nghiệm, cây mướt lại và bắt đầu đậu trái.

Thấy hiệu quả này, anh tiếp tục ngâm nhiều loại thảo dược khác. Trong vườn nhà, anh Nam đã áp dụng trên nhiều loại cây trồng khác như: đinh lăng, mai vàng, các loại cây cảnh… biện pháp dùng thảo dược hạn chế sâu bệnh, với kỳ vọng trồng thành công các loại trái cây theo hướng hữu cơ để trở thành mô hình kinh tế sạch, hiệu quả.

MỸ HẠNH