Phát huy vai trò Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp

10/09/2021 - 06:05

Trong khó khăn của đại dịch COVID-19, mô hình “Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã” được xem là “đặc sản” sáng tạo của An Giang. Về lâu dài, đây sẽ là cầu nối gắn kết nông dân - doanh nghiệp (DN), đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiệu quả bước đầu

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát làm bộc lộ những điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Việc đi lại của thương lái, nhân công bị hạn chế, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thu hoạch, tiêu thụ của nông dân khi mà diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ với DN còn thấp. Nhằm kịp thời hỗ trợ nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản trong lúc khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, toàn tỉnh thành lập Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh, 161 Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã (11 tổ cấp huyện; 150 tổ cấp xã). Qua đó, giúp phối hợp tiếp nhận, xử lý nhanh thông tin hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản và phát triển nông thôn tại địa phương. Ngành nông nghiệp chủ động tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề đến từng nhân viên kỹ thuật cấp xã để hướng dẫn nông dân giải pháp cần áp dụng, giúp giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, kết nối Tập đoàn Lộc trời để chia sẻ kế hoạch liên kết, tiêu thụ cũng như cách thức triển khai mô hình rải vụ trong thời gian tới đến từng địa phương.

Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã là nơi nắm chắc tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã là tổ chức kiêm nhiệm do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập, gồm các thành viên: nhân viên trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhân viên chăn nuôi và thú y, nhân viên thủy sản, khuyến nông viên, nhân viên Tập đoàn Lộc Trời, Hội Nông dân xã, trưởng ban ấp… Tùy theo tình hình thực tế địa phương, có thể bổ sung thêm đại diện hợp tác xã, nông dân giỏi, tổ hội nông dân… nhằm đạt hiệu quả hoạt động cao nhất.

Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã được sử dụng con dấu của UBND cấp xã, có số điện thoại “đường dây nóng”, chuyên tiếp nhận, xử lý nhanh thông tin hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tại địa phương. Tổ phản ứng nhanh là cầu nối liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, hỗ trợ liên kết và tiêu thụ nông sản đầu ra giữa nông dân, hợp tác xã với DN. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo về UBND cấp huyện (thông qua Trưởng phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế - Thường trực Tổ phản ứng nhanh cấp huyện); gửi về cho thư ký Tổ phản ứng nhanh cấp tỉnh để biết và hỗ trợ xử lý nếu vượt thẩm quyền cấp huyện.

Hướng đến thiết thực, hiệu quả

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã là cầu nối để cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết nhanh khó khăn của người nông dân, DN trong phát triển sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ và lưu thông nông sản tại địa phương. Tổ có nhiệm vụ nắm chắc về diện tích sản xuất, chủng loại cây trồng, vật nuôi, ước tính sản lượng thu hoạch theo từng loại sản phẩm, từng thời điểm cụ thể, cập nhật giá cả… để tổ chức phương án hỗ trợ tiêu thụ.

Đây cũng là nơi nắm bắt những khó khăn của nông dân, hợp tác xã, tham mưu, hỗ trợ xử lý vướng mắc liên quan trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ở cấp xã, như: tổ chức sản xuất (xuống giống, dịch vụ bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân…), cung ứng hàng hóa vật tư đầu vào, khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, thu mua và thương thảo hợp đồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ, cung cấp thông tin dự báo thị trường… Tổ phản ứng nhanh còn tổ chức sản xuất tại địa phương theo ngành hàng, theo nhu cầu DN; tổ chức tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho nông dân, hướng đến nền kinh tế nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, trên cơ sở kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh COVID-19 do UBND cấp xã xây dựng, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã sẽ vận hành linh hoạt, dần hoàn thiện tổ chức hoạt động. Để phát huy hiệu quả, lãnh đạo UBND cấp xã với vai trò là Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh cần phân công cụ thể nhiệm vụ cho thành viên theo từng nhóm công việc, như: nhóm sản xuất, nhóm vật tư, nhóm phụ trách sàn giao dịch, nhóm đảm bảo an toàn phòng dịch… Trên cơ sở thống kê của các địa phương, tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho nông dân, người tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn.

Ông Trần Anh Thư giao Sở NN&PTNT đề xuất chính sách, chế độ hỗ trợ cho Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp sàn thương mại điện tử tổ chức tập huấn, hướng dẫn Tổ phản ứng nhanh cách thức tiếp cận, điều kiện, kỹ thuật tham gia giao dịch nông sản trực tuyến. Với sự liên kết chặt chẽ của Tập đoàn Lộc Trời, các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã được kỳ vọng phát huy vai trò, sứ mệnh mới, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện tiếp nhận, trao đổi thông tin qua điện thoại, nhóm Zalo và xử lý nhanh, dứt điểm ngay trong ngày, hỗ trợ tối đa cho sản xuất nông nghiệp, kinh doanh nông sản, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

NGÔ CHUẨN