Nuôi dế-Vạn sự khởi đầu nan
Về xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) hỏi “ anh Đề nuôi dế” ai cũng biết, bởi hơn 1 năm trở lại đây, ngôi nhà của anh đã trở thành điểm đến quen thuộc của những thực khách trong xã thích ăn món côn trùng thơm ngon, béo ngậy này.
Anh Đề là một trong những người thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Anh cho biết, khi đi làm xa trở về quê hương lập nghiệp, anh đã nghiên cứu, tìm tòi các mô hình chăn nuôi, sau khi nhận thấy nuôi dế có chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, ít gây ô nhiễm môi trường, anh đã quyết định đầu tư và gây giống.
Anh học hỏi mô hình nuôi dế tại Yên Bái, sau đó đặt mua 4 đến 5 khay trứng từ Hà Nội về ươm nuôi. Ban đầu mọi người cũng ngăn cản, vì người dân quê quanh năm chỉ biết cấy lúa, nuôi gà, lợn, chứ không có ai nuôi dế bao giờ.
Chính vì không có kinh nghiệm nên sau khi lấy con giống về nuôi, thời gian đầu cả đàn dế giống bị chết gần hết. Không nản chí, anh đã giành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, chú tâm tìm đọc các tài liệu, tìm đến một số kỹ sư chăn nuôi và học hỏi từ các hộ nuôi dế trên địa bàn.
Nguồn thức ăn của dế rất đa dạng, dế thuộc họ côn trùng nên rất ít bệnh, dịch, vốn đầu tư không lớn, không gây ô nhiễm môi trường.
Anh Đề chia sẻ: “Dế là con vật dễ nhạy cảm với thời tiết giá rét, ưa sạch sẽ, bởi vậy, dế thường được nuôi bằng thùng xốp hoặc thùng gỗ, thau, khay, chậu nhựa… có nắp đậy đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát.
Ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại để phòng tránh dế bay đi và mèo, chuột bắt dế. Đất dùng trong máng đẻ là đất sạch, tơi xốp, ẩm vừa phải, không dùng đất có kiến, đất bị nhiễm hóa chất độc hại...
Trên cùng phủ một lớp cỏ cho dế ăn, ở, sinh trưởng phát triển và sinh sản…Sau 2 tháng nuôi, dế bắt đầu sinh sản, mỗi con dế thường đẻ từ 600 - 700 trứng, dế đẻ liên tục trong 20 - 25 ngày, đem ấp khoảng 10 - 12 ngày trứng nở.
Tuy nhiên, cần chú ý vệ sinh thùng nuôi dế sạch sẽ, không để thức ăn quá thối nát, dễ làm dế mắc bệnh tiêu chảy.
Nhiệt độ luôn phải giữ từ 25 - 32°C. Khi dế đến kỳ sinh sản, cần chọn những con dế to khỏe để nhân giống, đặc biệt tỷ lệ ghép giữa dế đực với dế cái cũng rất quan trọng bởi nó liên quan đến chất lượng của dế, nếu ghép ít đực.
Theo kinh nghiệm thì tỷ lệ thích hợp nhất trong một chậu dế cho 60 con dế cái sẽ phải ghép 30 con dế đực...”
Hiện tại, trên diện tích 50m2, anh nuôi 10 thùng dế, mỗi thùng dế đến thời điểm bán khoảng 12kg tùy vào điều kiện thời tiết, với giá 140 nghìn đồng/ kg như hiện nay, nghề lạ này đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 8 đến 10 triệu đồng/ tháng.
Triển vọng từ nuôi dế
Kỹ thuật nuôi dế khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian. Nguồn thức ăn của dế rất đa dạng, chủ yếu là các loại rau xanh, cỏ non, cám hỗn hợp..., đặc biệt dế thuộc họ côn trùng nên rất ít bệnh, dịch, vốn đầu tư không lớn lại không gây ô nhiễm môi trường.
Hệ thống chuồng trại không tốn nhiều diện tích, phù hợp với những hộ gia đình ít đất, có thể nuôi ở gầm cầu thang, nhà tạm, trên nóc tầng thượng có che chắn.
Dế trở thành món ăn lạ, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nhiều hộ gia đình và các thanh niên hiện đã chọn nuôi dế là hướng làm giàu mới. Anh Phùng Ngọc Thuận, khu Đoan, xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) là một trong những thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của huyện.
Với niềm đam mê cùng những kiến thức về sản xuất nông nghiệp, anh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi dế thương phẩm. Kỹ thuật nuôi dễ, cho sản phẩm nhanh, mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 80kg đến 1 tạ dế.
Anh Thuận cho biết: “Gia đình tôi bán dế thương phẩm cho bà con trong xã và phân phối cho các nhà hàng. Hiện nay, dế trở thành món ăn “ đặc sản” tại các nhà hàng, khách sạn khi được chế biến thành các món ăn như: Dế rang muối, chiên giòn, tẩm bột hoặc nấu lẩu… được khách hàng ưa chuộng lựa chọn trong các cuộc nhậu, liên hoan, hay tiệc tùng”.
Nuôi dế đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần làm đa dạng hoá sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nuôi dế ở các gia đình vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Để mô hình này được nhân rộng và phát huy tính hiệu quả, bền vững, cần có một tổ chức hội để các thành viên có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách chọn giống, chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật… và cùng nhau tìm đầu ra, tháo gỡ những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm sau này.
Theo Dân Việt