Thử nghiệm thiết bị bay “3 trong 1” trên đồng ruộng

21/05/2021 - 05:31

Sử dụng thiết bị bay để thay thế cho lao động thực hiện các công đoạn tưới, phun trên cây trồng không còn là chuyện xa lạ với nông dân. Tuy nhiên, lần đầu tiên “mục sở thị” thiết bị trình diễn trên đồng ruộng, những nhà nông chuyên trồng lúa, nếp ở huyện Phú Tân vẫn không khỏi trầm trồ, đặc biệt ấn tượng khi thiết bị hoạt động không cần tới sức người.

Buổi trình diễn được thực hiện tại ấp Phú Tây (xã Phú Long, huyện Phú Tân), do Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức và mời 30 nông dân trên địa bàn tham dự. Ruộng thử nghiệm trình diễn của ông Nguyễn Văn Dứt, là điểm trình diễn thứ 6 được Trung tâm Khuyến nông An Giang thực hiện trong vụ hè thu này.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên thông tin, theo kế hoạch phối hợp giữa trung tâm và Công ty Cổ phần Đại Thành, vụ hè thu năm nay sẽ thực hiện trình diễn thiết bị bay “3 trong 1”: phun hạt giống, phun phân bón và phun thuốc bảo vệ thực vật. Theo dõi lần lượt qua các điểm trình diễn, bước đầu cho thấy thiết bị này phun hạt giống được nông dân chấp nhận. Quan sát thực tế trên ruộng thì độ rơi vãi hạt tương đương phương pháp sạ truyền thống của nông dân là sạ tay hoặc máy phun. So sánh kỹ hơn giữa 2 phương pháp, ứng dụng thiết bị bay “3 trong 1” giúp nông dân giảm được sức lao động, không phải khuân vác giống hoặc đeo bình trên vai, hạn chế dẫm đạp trên ruộng.

Nông dân theo dõi trình diễn thiết bị bay “3 trong 1” trên ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Dứt

Mặt khác, qua khảo sát trong nông dân, phương pháp sạ tay tốn chi phí khoảng 250.000 đồng/ha, với thiết bị bay phun tự động thì trên cùng diện tích sẽ tốn chi phí từ 180.000-200.000 đồng/ha. Như vậy, chi phí của nhà nông được giảm nhẹ, với đặc thù một số địa phương sạ dày, ứng dụng thiết bị này sẽ giúp nông dân tự tin giảm lượng giống trong gieo sạ còn 100kg/ha (so với tập quán cũ khoảng 150kg/ha).

“Qua nhiều điểm trình diễn, máy vận hành hiệu quả, ổn định. Cuối vụ hè thu, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo ghi nhận tỷ lệ nảy mầm hạt giống, mức độ đồng đều, chỉ tiêu trong quá trình sinh trưởng của cây lúa… để đánh giá chính xác hơn” - bà Huỳnh Đào Nguyên cho biết.

Theo tính toán, mỗi 1 lượt bay, thiết bị sẽ phun được 10kg hạt giống, thiết bị vừa phun hạt giống kết hợp phun phân bón trong khoảng 55 phút sẽ sạ được 50kg nếp giống. So với phương pháp sạ tay, phương pháp này tiết giảm 100.000-150.000 đồng chi phí từ thuê nhân công lao động. Đối chiếu trên thực tế, ông Nguyễn Văn Dứt cho biết, bình thường ông thuê nhân công với thù lao 30.000 đồng/công. Để sạ hết tổng diện tích 7ha nếp, phải tốn 2,1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay tìm lao động ở địa phương không dễ, vẫn phải tận dụng lao động gia đình là chính.

Ông Dứt chia sẻ: “Sử dụng thiết bị phun máy bay thấy tiết kiệm giống hơn so với cách sạ trước đây, thông thường tôi sạ 20kg giống/công, nay chỉ tốn 12kg giống/công, tiết kiệm được 8kg, tương đương giảm được số tiền 80.000 đồng/công. Thiết bị này còn kết hợp phun phân bón, giúp nông dân khỏe hơn, giảm thêm chi phí thuê nhân công”.

Tương tự như lợi ích phun hạt giống và phun phân bón, việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật được giới thiệu cho nông dân tham dự có nhiều ưu điểm vượt trội. Đó là thiết bị có độ chính xác cao, hiệu quả phun đều và mịn, tránh dư lượng thuốc phun tưới trên đồng ruộng gây ô nhiễm, giảm nhân công lao động và giảm nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cho nông dân thay vì phun thuốc thủ công.

Hầu hết nông dân đồng tình với hỗ trợ của thiết bị bay không người lái trong canh tác lúa, nếp sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động, rút ngắn thời gian gieo sạ và bón phân trên đồng ruộng. Nông dân cho rằng, công nghệ hiện đại này nếu được ứng dụng rộng sẽ chăm sóc mùa vụ tốt hơn, nâng cao hiệu quả trên diện tích canh tác.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là giá thành của thiết bị khá cao, không tương xứng với quy mô sản xuất nhỏ lẻ và đòi hỏi nông dân phải có kiến thức để vận hành máy. Do đó, người dân mong muốn thời gian tới sẽ có những chủ trương, chính sách đầu tư trang bị máy móc phục vụ sản xuất và hướng dẫn cụ thể khi tiếp cận công nghệ mới.

Đồng thời, ngành chức năng còn định hướng giải pháp cần thiết là các địa phương cần thúc đẩy liên kết hộ, thu hút nông dân vào tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng loạt sản xuất, tập trung diện tích, liên kết sản xuất theo quy trình đồng nhất… mới có thể khai thác hiệu quả thiết bị bay không người lái trên đồng ruộng.

MỸ HẠNH