Tái đàn heo khi đảm bảo an toàn

25/10/2019 - 07:59

 - Song song với nỗ lực phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, việc tái đàn cũng là yêu cầu cấp bách khi nhu cầu thịt heo tăng, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tuy nhiên, khi tái đàn phải đảm bảo điều kiện an toàn sinh học.

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo an toàn vẫn rất lớn

Nhu cầu tăng, nguồn cung giảm

Khoảng 1 tuần nay, giá heo hơi trên địa bàn An Giang ghi nhận mức tăng kỷ lục, lần lượt vượt các ngưỡng 50.000 đồng/kg, 55.000 đồng/kg, có lúc lên trên 60.000 đồng/kg. Tại chợ, giá bán lẻ thịt heo cũng tăng mạnh khi thịt heo đùi có giá 85.000-90.000 đồng/kg, ba rọi 110.000-115.000 đồng/kg, còn thịt heo nạc 120.000-125.000 đồng/kg. “Mấy chục năm đi chợ, chưa bao giờ tôi thấy giá thịt heo vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg, nay đã lên hơn cả mức này. Tính ra, giá thịt heo bây giờ bằng với giá cá lóc, cá rô đồng, cao hơn cả đặc sản cá linh” - chị Lê Kiều Nga (khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) tỏ ra bất ngờ.

Nguyên nhân giá thịt heo tăng mạnh phần vì năm nay lũ nhỏ, lượng cá đồng không nhiều, nhưng chủ yếu là do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo Châu Phi khiến đàn heo sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trước tác động của dịch bệnh cùng khuyến cáo của ngành thú y nên nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và hạn chế tái đàn. Ước tính, đàn heo hiện có khoảng 95.000 con, bằng 84,1% so cùng kỳ năm 2018. So thời điểm tháng 9 vừa qua, giá heo hơi đã tăng thêm khoảng 20.000 đồng/kg.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tại An Giang, tính đến ngày 17-9-2019, trên địa bàn tỉnh đã có 1.131 điểm bệnh dịch tả heo Châu Phi ở 128 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã tiêu hủy 26.513 con heo bị dịch bệnh với tổng trọng lượng gần 1.695kg, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 384 hộ nuôi có heo bị tiêu hủy với hơn 16 tỷ đồng. Trước thực tế vẫn còn tình trạng vứt xác heo xuống sông, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND cấp huyện, xã huy động các lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, công an, dân quân, các tổ chức đoàn thể...) kịp thời thu gom, tiêu hủy xác heo chết vứt ra ngoài môi trường trong vòng 24 giờ. Đồng thời, giao và chỉ đạo công an địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác heo chết, heo bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Nghiên cứu tái đàn

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã ký công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại theo quy định. Đối với việc tái đàn heo trong thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT khi công bố hết dịch bệnh. Tỉnh khuyến cáo giảm hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong dân, nhất là ở khu dân cư; ưu tiên xem xét cho tái đàn đối với các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đạt yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT (đạt cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học…). Nỗ lực tái đàn nhằm đáp ứng nhu cầu thịt heo trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo, lựa chọn vị trí hố chôn tiêu hủy heo tập trung tại địa phương, lưu ý làm chết heo bằng điện trước khi di chuyển heo lên xe và phải vận chuyển bằng xe chuyên dùng. Sở NN&PTNT được giao chủ trì, phối hợp Sở Tài chính điều chỉnh Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 1-3-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 trên địa bàn tỉnh An Giang phù hợp với điều kiện hiện nay. Đối với Sở Tài chính, có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về quy trình tạm ứng, hoàn trả và các định mức chi theo quy định; đảm bảo chuẩn bị đầy đủ kinh phí phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm nắm chắc số lượng đàn heo, các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu gửi báo cáo hàng tuần bằng văn bản về số hộ và doanh nghiệp nuôi heo (kèm số điện thoại), số lượng heo còn lại sau tiêu hủy, gửi về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổng hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký Quyết định số 2521/QĐ-UBND về định mức hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho người tham gia phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh với mức 200.000 đồng/người/ngày. Đối với các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, mức hỗ trợ 400.000 đồng/người/ngày. Quyết định có hiệu lực đến ngày 31-12-2019.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN