Dấu ấn ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm

11/05/2022 - 06:36

 - Từ ngày 8 đến 10/5 tại huyện An Phú, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) An Giang đồng bào dân tộc Chăm lần thứ IX/2022 được diễn ra. Sự kiện là hình ảnh hội tụ khối đại đoàn kết các dân tộc, nhằm hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết, ngày hội có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, nhằm thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước về công tác dân tộc; là điều kiện thuận lợi để huyện An Phú đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với quảng bá xúc tiến thương mại, du lịch (DL).

Đặc biệt, việc tổ chức ngày hội thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, phong trào văn hóa - thể thao và DL vùng đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh có bước phát triển nhanh, rộng. Lễ hội, hội thi văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian… được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Tỷ lệ đồng bào DTTS trong tỉnh tham gia hoạt động văn hóa - thể thao ngày càng nhiều hơn.

Không gian văn hóa - nghệ thuật của ngày hội

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, lễ hội truyền thống trên toàn tỉnh có lúc phải tạm dừng. Khi cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, hoạt động VH,TT&DL từng bước được khởi động, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL An Giang Trương Bá Trạng (Phó Trưởng ban tổ chức Ngày hội) nhấn mạnh: “Ngày hội lần này đánh dấu sự phát triển liên tục của phong trào VH,TT&DL trong đồng bào DTTS Chăm tỉnh An Giang. Qua triển khai kế hoạch, chúng tôi rất vui mừng khi các địa phương có đồng bào dân tộc Chăm huy động tốt lực lượng và tuyển chọn những nghệ nhân, diễn viên, vận động viên trẻ, khỏe tham gia, để ngày hội thêm sinh động, hấp dẫn”.

Ngày hội có các hoạt động chính, như: Liên hoan văn hóa ẩm thực, hội thao, liên hoan văn nghệ quần chúng dân tộc Chăm. Cụ thể là chương trình thi đấu thể thao, trò chơi dân gian biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống, giới thiệu văn hóa ẩm thực và triển lãm thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS Chăm.

Đại diện 8 xóm Chăm trong tỉnh tham gia, gồm: Xã Đa Phước, Vĩnh Trường, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú); Khánh Hòa (huyện Châu Phú), Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) và xã Châu Phong (TX. Tân Châu).

Đây là dịp tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá tiềm năng DL, hình ảnh người Chăm An Giang giàu lòng yêu nước, cần cù sáng tạo, gắn kết cùng các dân tộc anh em xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Từ sớm 8/5, khắp nẻo đường hướng về Công viên huyện An Phú - nơi diễn ra ngày hội - được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ. Mặc dù thời tiết không thuận lợi (mưa to vào trưa và chiều), nhưng người dân về dự rất đông. Họ nhiệt tình cổ vũ thi đấu môn chạy việt dã, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co; xem triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật về chủ đề “Thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”; liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống, liên hoan nghệ thuật quần chúng dân tộc Chăm… Từng vận động viên thi đấu hết mình trong sự cổ vũ của đông đảo người xem.

Hội thi ẩm thực với nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Chăm, như: Cơm nị, cà-púa… Lung linh nhất là phần thi diễn nghệ thuật. Các chàng trai, cô gái Chăm cất cao tiếng hát, hòa với điệu múa uyển chuyển, kết hợp các nhạc cụ truyền thống (như trống paranưng, trống ghi-năng…).

Đội tham gia thi diễn còn mang đến những hình ảnh sinh động, không gian văn hóa Chăm đặc sắc. Người xem được thưởng thức phần biểu diễn trang phục truyền thống; tái hiện đám cưới truyền thống, nghi lễ tôn giáo của đồng bào DTTS Chăm... Khán giả như say đắm trong không gian văn hóa đặc trưng với gam màu đa dạng, phong phú.

“Lâu lắm rồi, đồng bào Chăm chúng tôi mới có được sự kiện vui tươi như thế này. Nhà xa nhưng gia đình tôi tranh thủ chạy xe lên xem, cổ vũ cho ngày hội” - chị Rophia (ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) chia sẻ.

Ngày hội VH,TT&DL đồng bào Chăm thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền các cấp với các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tỉnh An Giang nói riêng. Đây là điều kiện tốt cho đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh được gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm và tham gia giao lưu VH, TT&DL.

 HỮU HUYNH