Nam Định: Nuôi con "siêu đẻ” ở khu ruộng bỏ hoang, anh nông dân 8X thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm

31/08/2021 - 14:14

Với ý chí, nghị lực và khối óc sáng tạo, anh Nguyễn Văn Luận (SN 1982, trú tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đã "hô biến" hơn 2ha ruộng hoang thành ao nuôi ốc nhồi cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Gia đình anh đã có bước ngoặt đổi đời kể từ đó.

Nuôi ốc nhồi cho thu nhập "khủng"

Từ một lao động tự do, không nghề nghiệp, nhưng nhờ cái duyên "gắn kết" với loài ốc nhồi, giờ đây anh Nguyễn Văn Luận đã có của ăn của để. Anh sở hữu 1 trang trại nuôi ốc nhồi to nhất, nhì ở huyện Xuân Trường. 

Nam Định: Nuôi con "siêu đẻ” bò quanh quẩn trong ao bèo, anh nông dân 8X thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Luận (thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) giới thiệu về đàn ốc nhồi bố mẹ đang được nuôi ở trang trại.

Kể về cơ duyên "làm bạn" với con ốc nhồi, anh Luận cho hay, khu vực trang trại nuôi ốc nhồi của gia đình anh trước đây là cánh đồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên, sản xuất không hiệu quả nên người dân bỏ hoang. 

Nhìn những thửa ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, anh Luận không khỏi xót xa về "tấc đất, tấc vàng" bị lãng quên.

Năm 2018, qua thông tin trên sách, báo, anh thấy nhiều người thoát nghèo nhờ nuôi cua đồng và con đặc sản. 

Ý tưởng làm giàu với của anh nhen nhóm từ đây. Nhiều đêm thao thức anh tâm sự với vợ con rằng mình sẽ làm giàu từ nông nghiệp, được sự động viên của gia đình, anh đã làm đơn xin chuyển đổi 2ha đất lúa bỏ hoang thành ao nuôi cua đồng và 1 số con đặc sản.

Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cua đồng nên đàn cua phát triển kém, không mang lại hiệu quả kinh tế. 

Bán hết lứa cua thương phẩm đầu tiên thì anh Luận dừng hẳn. "Khởi nghiệp thất bại, tôi cũng chán, nhưng được sự động viên của gia đình nên tôi quyết tâm vực dậy", anh Luận nói.

Nhấp chén trà đặc, anh Luận nói tiếp, đầu năm 2020, qua mạng xã hội anh biết đến mô hình nuôi ốc nhồi đang phát triển mạnh ở khu vực miền Bắc nên đã mày mò, tìm kiếm thông tin, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi loài thủy sản "bò lổm nhổm" này.

Nam Định: Nuôi con "siêu đẻ” bò quanh quẩn trong ao bèo, anh nông dân 8X thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Trứng ốc nhồi được anh Nguyễn Văn Luận (thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) ấp cẩn thận trong thùng xốp.

Sẵn có ao nuôi, anh quyết định gom tiền đi đến tận trang trại nuôi ốc nhồi mua 7 vạn ốc giống với giá 15 triệu đồng về thả ao. Những ngày đầu, anh ăn, ngủ, trực "chốt" 24/24h  ở trang trại để quan sát, tìm hiểu tập tính sinh trưởng của ốc nhồi.

Nhờ vậy, trong quá trình nuôi ốc, trang trại không xảy ra sự cố dịch bệnh nào; đàn ốc lớn nhanh như thổi, con nào con nấy đồng đều, nhìn hút mắt. Sau 3 tháng nuôi, lứa ốc đầu tiên của gia đình anh Luận cũng cho thu hoạch.

Để duy trì sản xuất, anh Luận quyết định bán 400kg ốc thương phẩm cho thương lái, còn lại gây thành ốc bố mẹ nhằm nhân giống, phục vục cho kế hoạch mới. Đến nay, đàn ốc sinh sôi, nảy nở rất nhiều, kín đặc các ao nuôi.

Mặc dù, trang trại nuôi ốc nhồi của gia đình anh Luận mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nay nhưng đã cho thu nhập "khủng". So với mô hình nuôi cá truyền thống, cua đồng thì mô hình ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Anh Luận bảo, trang trại đang duy trì khoảng 15.000 ốc bố mẹ và hơn 15 vạn ốc giống. Trung bình, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 80 - 100kg trứng ốc và 5 - 7 vạn ốc giống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

"Với giá bán 500.000 đồng/kg trứng ốc và 2,5 triệu đồng/vạn ốc giống, mỗi tháng trang trại thu về hơn 50 triệu đồng", anh Luận khoe.

Bí quyết nuôi ốc nhồi đẻ sòn sòn

Dẫn phóng viên đi tham quan các ao nuôi, anh Luận thổ lộ, ốc nhồi được ví là loài thủy sản siêu đẻ, dễ nuôi, dễ chăm sóc, có sức đề kháng cao và ít dịch bệnh. Mật độ nuôi dao động từ 80 - 100 con ốc bố mẹ/m2, cũng có thể nuôi hơn tùy vào kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc của mỗi người.

Tuy nhiên, ốc nhồi chịu nóng kém vì vậy người nuôi phải có biện pháp chống nắng. Theo đó, xung quanh ao nuôi cần treo lưới chống nắng, dưới ao người nuôi nên thả bèo cái hoặc bèo tấm và trồng hoa súng để ốc trú ngụ. 

Nam Định: Nuôi con "siêu đẻ” bò quanh quẩn trong ao bèo, anh nông dân 8X thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Văn Luận (thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cẩn thận kiểm tra kỹ đàn ốc giống trước khi bán cho khách hàng.

Cũng theo anh Luận vào những lúc thời tiết mưa to, nguồn nước bị thay đổi, ốc dễ sốc nhiệt nên cần phải xử lý nguồn nước sau khi trời tạnh.

Vớt 1 mớ ốc bố mẹ vào khay nhựa, anh Luận nói: Ốc bắt đầu đẻ trứng từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 10 Âm lịch. Chúng chủ yếu đẻ vào ban đêm và sáng sớm ở khu vực bờ ao có khoảng trống. Trung bình mỗi buồng trứng dao động từ 80 - 150 quả.

"Sau khi ốc đẻ trứng vào ban đêm thì sáng hôm sau phải tranh thủ đi nhặt trứng cho vào khay nhựa và đưa vào thùng ấp để giữ ẩm với nhiệt độ từ 28 - 30°C. Trong quá trình ấp, thường xuyên phun nước giữ ẩm cho các buồng trứng. Thông thường sau 15 - 20 ngày ấp thì trứng ốc sẽ nở hoàn toàn và thoát ra khỏi buồng trứng", anh Luận cho hay.

Theo anh Luận, khi tỷ lệ trứng nở đạt 100% thì đưa ốc con từ trong thùng ấp ra tráng lưới để nuôi, cho ốc làm quen với môi trường nước tự nhiên. Chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 15 ngày, khi ốc to hơn đầu đũa là có thể xuất bán con giống cho khách hàng.

Khi được hỏi về nguồn thức ăn cho ốc nhồi, anh Luận bật mí, thức ăn chủ yếu là mướp, bí ngô, đu đủ, lá khoai- đây là những thứ thức ăn dễ tìm và có thể tự trồng xung quanh ao nuôi, không mất nhiều chi phí. Ngày cho ốc ăn 1 lần, vào thời điểm chiều tối.

"Những tháng cuối năm, ốc thường lặn xuống đáy ao để ngủ đông và không cần ăn uống. Thời gian ngủ đông kéo dài khoảng 3 tháng. Khi thời tiết ấm dần thì ốc bắt đầu ngoi lên mặt nước và đi tìm thức ăn.

Nam Định: Nuôi con "siêu đẻ” bò quanh quẩn trong ao bèo, anh nông dân 8X thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Trang trại nuôi ốc nhồi của gia đình anh Luận được quy hoạch rõ ràng gồm ao ương con giống, ao nuôi ốc bố mẹ, ao nuôi ốc thương phẩm.

Trong thời gian ốc ngủ đông nên vệ sinh lại ao nuôi, xả thải nước bẩn, vãi vôi bột nhằm tiêu diệt tảo, vi sinh vật gây hại. Trước khi vào vụ mới, nguồn nước cần được xử lý sạch bằng men vi sinh để hạn chế dịch bệnh, giúp ốc sinh trưởng nhanh", anh Luận bật mí kinh nghiệm nuôi ốc.

Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ lớn, nguồn ốc thương phẩm không đủ cung cấp ra thị trường. Nắm bắt được điều này, anh Luận đã mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ dừng lại ở việc bán ốc giống và trứng ốc mà còn hướng tới bán ốc thương phẩm cho các đầu mối thương lái. 

Dự kiến, khoảng nửa tháng nữa, trang trại sẽ có ốc thương phẩm để đưa ra thị trường.

Nhờ chuyển đổi mô hình từ cua đồng sang nuôi ốc nhồi mà gia đình anh Luận có thu nhập ổn định. Thành công từ các vụ nuôi đã tạo tiền đề cho anh gắn bó lâu dài với mô hình ốc nhồi. Hiện anh Luận rất tự hào về những thành quả mà bản thân anh đã gặt hái được trong thời gian qua.

Theo LÃNG HỒNG (Dân Việt)