Quốc hội thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

26/10/2021 - 18:58

Tiếp tục phiên làm việc chiều 26-10, Quốc hội dành thời gian thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Quang cảnh điểm cầu Đoàn ĐBQH An Giang chiều 26-10

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ”, mà đang chuyển mạnh thành quốc gia tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. Cụ thể, các chính sách, gồm: bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước...

Tại phiên họp, có 26 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Đa số tán thành việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan.

Đại biểu cũng đề nghị sửa đổi đồng bộ các quy định về quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành, như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

 Trong buổi thảo luận ở tổ trước đó, ĐBQH An Giang cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập trong hiện thực cuộc sống, đảm bảo thực thi các cam kết, điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xác định cụ thể đối tượng được hưởng quyền sở hữu trí tuệ trong 1 tác phẩm, sản phẩm; bổ sung cụ thể hơn quyền của tác giả và quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, quy định thế nào là chủ sở hữu và đồng sở hữu; cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm kết luận về giám định sở hữu trí tuệ trên cơ sở căn cứ pháp luật; cần bổ sung thêm quy định về hàng hóa sở hữu trí tuệ để phân biệt với hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ…

Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu giải trình các ý kiến đại biểu quan tâm. Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, đa số đại biểu tán thành phương án 1. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước và cơ quan chủ trì và tác giả, đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa 3 chủ thể; đề xuất Chính phủ tiếp thu, mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký bảo hộ cho đơn vị chủ trì đối với giống và cây trồng.

Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp thu ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại sự phù hợp của phương án 1; báo cáo đề xuất Chính phủ áp dụng phương án 2 (giữ nguyên quy định hiện hành là xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.)

Về sự tương thích với các điều luật quốc tế, bộ trưởng khẳng định sẽ hết sức cố gắng làm cho các điều khoản được “nội hóa” một cách hài hòa, tương thích cao nhất, đảm bảo quyền lợi quốc gia, dân tộc.

Cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu 4 nhóm vấn đề khác, gồm: sở hữu công nghiệp; quyền tác giả, quyền liên quan; quyền đối với giống và cây trồng; văn phong, kỹ thuật lập pháp trong dự án luật. Đồng thời, phối hợp các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý…, để có cơ sở lý luận và thực tiễn chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật một cách chất lượng, trình kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Tin, ảnh: GIA KHÁNH