Tập trung mọi nguồn lực về tài chính, sớm thanh toán nợ cho ngư dân

19/07/2018 - 07:19

 - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, tại buổi làm việc mới đây với đại diện Công ty Cổ phần Việt An, các cơ quan chức năng tỉnh, gồm: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang… về tình hình nợ của Công ty Cổ phần Việt An với 33 hộ ngư dân bán cá cho công ty từ năm 2013 đến nay.

Ông Cao Lương Tri bên hầm cá bỏ trống của gia đình

Bức xúc

Công ty Cổ phần Việt An (Anvifish) thành lập từ tháng 2-2007. Người sáng lập và điều hành công ty trong giai đoạn này là ông Lưu Bách Thảo. Trước khi tham gia vào ngành thủy sản, ông Thảo là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Giao thông công chánh Bách Thảo. Từ xây dựng cầu, đường bước sang lĩnh vực thủy sản, ông Thảo đã tỏ ra là một người am hiểu rất nhiều ở lĩnh vực mới. Ông đã xây dựng Công ty Cổ phần Việt An trở thành công ty sở hữu 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với công suất chế biến 250 tấn nguyên liệu/ngày. Công ty Cổ phần Việt An nhanh chóng được gia nhập vào Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và được xếp vào loại thành viên ưu tú của hiệp hội.

Từ tháng 2-2007 đến tháng 7-2014, Công ty Cổ phần Việt An trải qua biết bao thăng trầm; từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (tháng 10-2008) đến đối đầu với cuộc chiến chống bán phá giá cá tra vào thị trường Mỹ. Mặc dù vậy, ở thời điểm đó, Công ty Cổ phần Việt An vẫn mua cá của ngư dân cao hơn các công ty trong ngành từ 500 - 1.000 đồng/kg.

Ngày 23-11-2010, Công ty Cổ phần Việt An chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán với mã chứng khoán AVF. Tổng số cổ phần đăng ký là 22.500.000 cổ phần, tương tương 225 tỷ đồng. Sau gần 4 năm lên sàn chứng khoán, tháng 7-2014, ông Lưu Bách Thảo, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt An đã bỏ đi Mỹ cho đến nay.

Sự kiện ông Thảo bỏ đi Mỹ sẽ là chuyện bình thường nếu ông không phải là người liên quan đến món nợ trên 1.116 tỷ đồng (tiền vay của 8 chi nhánh ngân hàng thương mại ở địa bàn tỉnh, trong đó Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh An Giang là 629 tỷ đồng) và hơn 300 tỷ đồng của 33 ngư dân bán cá tra cho công ty. Sự việc xảy ra từ tháng 7-2014 nhưng đến tháng 11-2017, cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án. Ông Thảo bỏ đi Mỹ, 8 chi nhánh ngân hàng thương mại ở An Giang như ngồi trên “đống lửa”. 33 ngư dân Việt An thiếu tiền cũng đành “treo hầm”.

Cạn nguồn

“Mong rằng, sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng, tại buổi làm việc về tình hình Công ty Cổ phần Việt An nợ tiền cá các hộ nông dân, tình hình sẽ được cải thiện hơn, ngư dân chúng tôi được trả hết số tiền mà Công ty Cổ phần Việt An còn nợ…” - ông Cao Lương Tri, ngư dân TP. Long Xuyên, bày tỏ nguyện vọng.

Ông Tri cho biết thêm, kể từ khi ông Thảo bỏ đi nước ngoài, ngư dân đã 2 lần gửi đơn “thỉnh cầu”, 4 lần gởi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vụ việc chỉ dừng lại ở việc chỉ khởi tố vụ án mà chưa khởi tố bị can. Số tiền Công ty Cổ phần Việt An còn nợ 33 hộ ngư dân trên 127 tỷ đồng. Người có trách nhiệm của công ty hiện nay là ông Ngô Văn Thu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cứ “hẹn lần, hẹn lựa” trong khâu thanh toán.

“Ông Thu hứa với chúng tôi thứ ba tuần rồi gặp nhau để bàn phương án tiếp tục trả nợ nhưng cuối cùng ông không gặp. Khi ngư dân điện, ông vui thì bắt máy, không vui thì không nghe; nếu có nghe thì nói vài câu cho “qua lề” chứ chẳng giải quyết được gì. Việc này chúng tôi rất bức xúc, bởi đầu năm 2018, giá cá nguyên liệu lên đến 32.000 đồng/kg mà không có tiền để thả nuôi. Lãi ngân hàng ngư dân cứ phải đóng…” - ông Tri bức xúc.

Làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Việt An, ông Ngô Văn Thu, cho biết, sau khi ông Lưu Bách Thảo bỏ đi Mỹ, thời điểm 31-3-2015, Việt An nợ tiền cá của ngư dân là 304 tỷ 239 triệu đồng. Thời điểm đó, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Việt An đã thu xếp bán tài sản của ông Thảo (để lại) trả nợ cho ngư dân. Cụ thể: năm 2014, Việt An chi trả cho ngư dân số tiền 130 tỷ 129 triệu đồng. Năm 2015, chi trả 24 tỷ 596 triệu đồng. Đầu năm 2018, chi trả chỉ 1 tỷ 732 triệu đồng.

“Sở dĩ năm 2018 chi trả ít lại vì tài sản của ông Thảo đã bán hết, cạn nguồn. Cũng trong thời gian này, hoạt động sản xuất của công ty gặp khó khăn. Cá tra nguyên liệu khan hiếm, giá nguyên liệu tăng cao, đơn vị thuê Việt An gia công không cung cấp đủ cá để làm, vì vậy sản lượng gia công không đủ đảm bảo nguồn thu để thanh toán các khoản chi phí, trong đó có tiền cá của ngư dân. Hiện công ty đang đàm phàn với nhà đầu tư tiềm năng, mua lại số nợ của Việt An và tiến hành tái cơ cấu hoạt động công ty. Đây là hướng đi để có tiền thanh toán hết số nợ cho ngư dân, bởi nguồn trả nợ của công ty hiện nay đã cạn…” - ông Thu chia sẻ.

“Công ty Cổ phần Việt An phải thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; tập trung mọi nguồn lực về tài chính để sớm thanh toán nợ cho ngư dân; đồng thời mời các hộ đối thoại và động viên, chia sẻ khó khăn với công ty. Công an tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp các cơ quan tư pháp và các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc điều ra, giám định để đưa ra xét xử vụ án vi phạm về quy định cho vay, xảy ra tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh An Giang và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp Công an tỉnh gặp khó khăn về kinh phí hoặc cần hỗ trợ, tiếp cận bộ, ngành Trung ương thì đề nghị, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ…”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng chỉ đạo.


Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích