Tại buổi họp báo sáng 21-11, đại diện ban tổ chức cho biết, sự kiện sẽ bao gồm hội nghị trực tuyến với 63 địa phương (quy mô 500 đại biểu tại đầu cầu Hà Nội và 50-100 đại biểu tại đầu cầu mỗi tỉnh); 3 hội thảo quốc tế (về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững vì một Việt Nam thịnh vượng; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế); triển lãm 100 gian hàng của các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu về nông nghiệp, nông thôn.
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: H. TRỌNG
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả khả quan, an ninh lương thực được đảm bảo. GDP ngành nông nghiệp năm 2017 đạt 2,66%, quy mô GDP của ngành tăng gấp 1,25 lần so với năm 2008; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; 7,2 triệu lao động ở nông thôn được đào tạo nghề; tính đến tháng 6-2018 có 3.346 xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại; kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập, đời sống phần lớn nông dân dù đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Việc Việt Nam ký kết, thực thi và đang đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do được nhìn nhận sẽ tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.
Chính vì vậy, hội thảo chuyên đề về cơ hội cho hàng hóa nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các chủ đề liên quan đến chính sách ưu đãi, tín dụng… được đánh giá sẽ là cơ hội tốt để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đi tìm lời giải cho bài toán phát triển thị trường hàng hóa nông sản Việt Nam.
Theo HÀ MY (Sài Gòn Giải Phóng)