An Giang phát huy hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

24/02/2022 - 06:12

 - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân…

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang cho biết, bám sát các nội dung của phong trào và thực tiễn địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn quan tâm chỉ đạo và đề ra các kế hoạch, giải pháp đồng bộ thúc đẩy phong trào phát triển sâu rộng, được nhân dân hưởng ứng với sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước lớn, có tác động tích cực, sâu sắc đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.

Các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao (TDTT) được quan tâm xây dựng. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT quần chúng ngày càng sinh động phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các lễ hội tổ chức theo đúng quy định của nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, trang trọng và văn minh, công tác xã hội hóa được phát huy… Việc chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao dân trí và hình thành nếp sống văn hóa mới trong mỗi người dân.

Một trong những điểm nhấn trong triển khai thực hiện phong trào thời gian qua chính là việc tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 508.587 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,6% so tổng số hộ); 867 khóm/ấp văn hóa (đạt 97,63% so tổng số ấp); 79 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới (đạt 66,38% so tổng số xã); 26 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 70,27%).

Việc bình xét danh hiệu gia đình văn hóa được tiến hành công khai, dân chủ, bám sát các tiêu chí. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của gia đình cũng như đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo các khóm, ấp, phum, sóc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Ông Chau Chanh (ngụ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, địa phương là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống, còn nhiều khó khăn nên ngoài việc gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật của nhà nước, ông còn tích cực vận động người thân và người dân hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Cùng chung ý nghĩ, ông Võ Văn Cửu (Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) luôn chủ động nắm bắt tâm tư tình cảm, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, sống “tốt đời đẹp đạo”, chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Qua đó, xuất hiện hàng nghìn gương điển hình “Người tốt, việc tốt”, tập thể tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động, sản xuất - kinh doanh, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Các cấp,ngành và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế trong xã hội. Qua đó, khơi dậy truyền thống đoàn kết, “Tương thân tương ái”, giúp đỡ nhau trong cuộc sống…

Thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh. Đồng thời, phát triển phong trào có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình xét các danh hiệu văn hóa thực chất; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp phát triển phong trào. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân…

TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích