Chăm sóc nạn nhân da cam thời COVID-19

05/10/2021 - 05:25

 - Trước hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, trong nhiều tháng qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang đã đẩy mạnh các hoạt động, góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của tỉnh đã cất mới được 8 căn nhà Tình thương

Một trong những hoạt động góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhận da cam vượt qua khó khăn trong thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19 là hoạt động vận động nguồn lực xã hội để giúp đỡ nạn nhân, người nghèo, người khuyết tật. Từ nguồn lực đã vận động, hệ thống hội đã tổ chức trợ cấp thường xuyên, đột xuất; xây nhà Tình thương, thăm, tặng quà cho nạn nhân.

Với những nỗ lực đó, hệ thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của tỉnh ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nạn nhân và gia đình họ; qua đó, tạo được niềm tin trong hội viên, sự tin cậy của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, diễn biến phức tạp, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh đã chủ động liên lạc trong hệ thống hội của mình, tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống để động viên, thăm hỏi, tặng quà. Qua đó, đã có 656 suất quà được hội chuyển tới tận nhà tặng cho nạn nhân; tổng số tiền, quà hơn 721 triệu đồng. Ngoài ra, hội còn vận động xây dựng 8 căn nhà Tình thương, trị giá mỗi căn từ 40-60 triệu đồng, trong đó huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, mỗi nơi 3 căn; huyện An Phú, Phú Tân, mỗi nơi 1 căn.

“Ngoài những hoạt động trên, hội còn tổ chức cho hội viên vay tiền (không lãi suất) để mua bán nhỏ, chăn nuôi nhằm tăng thu nhập. Thông qua hoạt động này đã giúp nạn nhân sớm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống” - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang Phùng Văn Sang chia sẻ.

Hệ thống Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của tỉnh hiện có 1.627 hội viên. Nét đặc trưng của hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin là đa phần thuộc hộ nghèo, khó khăn, mất sức lao động, rất cần sự hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng. Thực tế cho thấy, đã có những hoàn cảnh rất thương tâm, trong gia đình có đến 3 hoặc 4 người con bị tàn tật. Những người tàn tật này, gia đình phải nuôi dưỡng suốt đời, vì vậy rất cần sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội, của hệ thống chính trị, cùng các nhà hảo tâm để cuộc sống của những nạn nhân phần nào vơi đi sự khổ cực.

“Tôi cũng như nhiều người mẹ khác ở Việt Nam, khi mang thai, mình luôn hy vọng sau khi sinh, đứa con sẽ khôi ngô, khỏe mạnh, trở thành người có ích cho xã hội. Nào ngờ, khi sinh ra, các cháu khù khờ, tật nguyền, vợ chồng tôi buồn lắm. Thời gian qua, nhờ sự giúp đỡ của tỉnh hội, huyện hội và bà con hàng xóm, sự buồn tủi có phần nguôi ngoai. Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình” - bà Trần Thị Lài (TX. Tân Châu) nói trong nước mắt.

 Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang Lê Thanh Tâm cho biết, thời gian tới, hội còn rất nhiều việc phải làm, trong đó hội sẽ cố gắng đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc nạn nhân, nhất là thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát như hiện nay. Các hoạt động, như: vận động nguồn lực để chăm sóc nạn nhân, xây nhà Tình thương, tặng xe lăn, xe lắc, hỗ trợ hội viên vay vốn được tiếp tục đẩy mạnh. “Trong số 39.390 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên của tỉnh, trong đó có nhiều người nghi phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng hiện nay, chính sách chưa có quy định đối với những đối tượng này. Đây là việc mà hội đang tiếp tục nghiên cứu để giúp đỡ, hỗ trợ, đề xuất chính sách để từng bước cuộc sống của những người này bớt đi khó khăn” - ông Tâm chia sẻ.

MINH HIỂN

“Hàng năm, hệ thống hội từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng kế hoạch công tác, trình cấp ủy Đảng, chính quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch, trong đó các kế hoạch luôn xác định đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp thực hiện cho từng hoạt động cụ thể, rõ ràng, từ đó đã góp phần thực hiện thành công các mặt công tác hội” - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh An Giang Lê Công Dần chia sẻ.